TTO - Nhiều nước đã tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi. Trong khi đó, các hãng dược đang đẩy nhanh nghiên cứu và xin cấp phép phê duyệt vắc xin cho các đối tượng trẻ nhỏ khác, bao gồm 5 - 11 tuổi và nhỏ nhất là từ 6 tháng tuổi.
Tiêm vắc xin cho trẻ em sẽ mở rộng số người được vắc xin bảo vệ trong cộng đồng và giúp trường học an toàn hơn, qua đó tạo điều kiện cho trẻ em đến trường học trực tiếp thay vì học trực tuyến với nhiều bất cập.
Tăng tốc
Mới đây nhất, Công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 dành cho trẻ em và thanh thiếu niên (từ 6 tháng tuổi đến 17 tuổi) giai đoạn 3 trên toàn cầu. Thông báo của công ty cho biết thử nghiệm sẽ tuyển 16.000 tình nguyện viên ở Chile, Philippines, Malaysia, Kenya và Nam Phi.
Trong khi đó, nguồn tin của Hãng tin Reuters tiết lộ Hãng dược Pfizer (Mỹ) đã chuẩn bị sẵn hồ sơ để sẵn sàng nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 của hãng cho nhóm 5 - 11 tuổi vào cuối tháng này tại Mỹ, sau khi hoàn tất thử nghiệm lâm sàng với tình nguyện viên thuộc nhóm tuổi này. Kết quả thử nghiệm với trẻ từ 2 - 5 tuổi cũng sẽ có không lâu sau đó.
Đối tác của Pfizer, Công ty BioNTech (Đức) thì cho biết trên tạp chí Der Spiegel rằng trong vài tuần nữa công ty này sẽ cung cấp kết quả thử nghiệm vắc xin COVID-19 ở trẻ từ 5 - 11 tuổi cho cơ quan chức năng trên toàn thế giới để xin cấp phép toàn cầu cho loại vắc xin này. Ngoài ra, công ty sẽ xin cấp phép sử dụng vắc xin cho trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi vào cuối năm.
Với Hãng Moderna (Mỹ), từ tháng 3-2021 công ty đã tuyển 6.795 tình nguyện viên dưới 12 tuổi để thử nghiệm vắc xin. Các tình nguyện viên được chia thành ba nhóm tuổi gồm nhóm 6 - 11 tuổi (dự kiến hoàn thành thử nghiệm vào cuối năm 2021), nhóm 6 tháng đến 5 tuổi (hoàn thành vào đầu năm 2022), nhóm còn lại là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Vắc xin của Moderna đã được cấp phép sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên ở một số nước.
Chính quyền Cuba cũng đã triển khai tiêm vắc xin tự phát triển cho trẻ em từ 2 tuổi từ ngày 6-9, nhằm tiến tới khôi phục hình thức giảng dạy trực tiếp tại trường học trong tháng 10 hoặc tháng 11 nhằm đảm bảo quyền học tập - một quyền chính đáng của trẻ em trong Công ước về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc.
Cần nhưng không gấp
Mới đây, Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ dành 4,8 triệu liều vắc xin COVID-19 của Pfizer để tiêm cho học sinh 12 - 17 tuổi với điều kiện phụ huynh phải đồng ý tiêm chủng, trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi bảo đảm an toàn trường học. Câu chuyện ở Thái Lan đặt ra câu hỏi tiêm chủng cho trẻ em có cấp bách hay không?
Các số liệu thống kê ca bệnh trên thế giới sau gần 2 năm xuất hiện dịch COVID-19 cho thấy tỉ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng và tự khỏi là 80%. Trong 20% người có triệu chứng, có 15% có triệu chứng nặng phải nhập viện và 5% còn lại có nguy cơ tử vong. So với tất cả những người bị nhiễm, tỉ lệ tử vong chung do COVID-19 dao động từ 0,5 đến 2%.
Tuy nhiên, độ nặng nhẹ khi nhiễm COVID-19 ở trẻ em và người lớn có sự khác biệt. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, 79% các ca tử vong liên quan đến COVID-19 từ cuối tháng 9-2020 là ở người từ 65 tuổi trở lên. Cũng theo CDC Mỹ, chỉ có 1/10.000 trẻ em từ 0 - 14 tuổi tử vong do căn bệnh này. Nếu xét tỉ lệ tử vong do COVID-19 của trẻ em với toàn bộ dân số ở Mỹ, tỉ lệ này còn thấp hơn đáng kể.
Tương tự, tạp chí Nature hồi cuối tháng 7-2021 công bố nghiên cứu ở Anh cho thấy tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở người dưới 18 tuổi từ tháng 3-2020 đến 2-2021 là 2 người trên 1 triệu người. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với tỉ lệ tử vong bình thường do COVID-19 trong dân số (mọi độ tuổi) là khoảng 1% (dao động từ 0,5 đến 2%). Như vậy, sự nguy hiểm của COVID-19 nhẹ gấp 10.000 lần ở trẻ em so với người lớn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng xác nhận trẻ em và thanh thiếu niên chỉ bị bệnh COVID-19 nhẹ so với người lớn, do đó việc tiêm vắc xin cho trẻ em không quá khẩn cấp như với người già, người có các bệnh mãn tính và nhân viên y tế.
Trong hội thảo trực tuyến diễn ra tối 11-9 với chủ đề "Hiểu về tâm lý trẻ em để cùng nhau đồng hành trong dịch COVID-19", TS Đinh Xuân Anh Tuấn (Bệnh viện Cochin, Paris) cho biết nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong ở trẻ em là cực kỳ thấp so với người lớn, chỉ nên ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em có bệnh lý nền, bị tổn thương hệ miễn dịch.
"Khi có đủ vắc xin và nếu đã tiêm cho tất cả những người lớn, người có bệnh nền, những đối tượng ưu tiên khác thì có thể nghĩ đến tiêm vắc xin cho trẻ em. Tiêm vắc xin cho trẻ em tuy cần thiết nhưng không phải là vấn đề ưu tiên" - bác sĩ Tuấn cho biết.
Ngoại lệ ở Anh
Cũng có những nước dù sở hữu nhiều vắc xin thì chính phủ chỉ cho phép tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em một cách hạn chế, bao gồm Vương quốc Anh. Nước này hiện cho tất cả trẻ em từ 16 tuổi trở lên được tiêm vắc xin COVID-19 của Hãng Pfizer-BioNTech.
Trẻ em từ 12 - 15 tuổi được khuyến cáo chỉ tiêm nếu bị các vấn đề như bị khuyết tật thần kinh nghiêm trọng (gồm bại não, tự kỷ hoặc động kinh); hội chứng Down; bị suy yếu hệ miễn dịch nghiêm trọng; bị ung thư; mắc các bệnh mãn tính về tim, phổi, gan. Trường hợp trẻ sống với những người bị suy giảm hệ miễn dịch cũng được khuyến cáo tiêm vắc xin, để bảo vệ các thành viên trong gia đình.
Ủy ban Hỗn hợp về vắc xin và tiêm chủng (JCVI) của Anh cho biết họ không khuyến cáo tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi nếu chỉ vì lý do sức khỏe. Theo cơ quan này, trẻ em có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh thấp đến mức tiêm vắc xin chỉ mang lại "lợi ích nhỏ".
Nhận xét
Đăng nhận xét