ANHBiến thể Delta khiến nhiều người chưa tiêm vaccine bị nhiễm và trở bệnh nguy kịch, họ tiếc nuối và hối hận vì đã không tiêm khi được mời.
Số người mắc Covid-19 tại Bệnh viện Hoàng gia Bradford đang tăng mạnh, giống với những cơ sở y tế khác. Tiến sĩ John Wright, giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe Bradford, cho biết khoảng một nửa số bệnh nhân này lựa chọn không tiêm phòng khi đến lượt. Hiện họ vô cùng hối tiếc. Faisal Bashir, 54 tuổi, là một trong số đó.
"Tôi đã được gọi đi tiêm vaccine, nhưng tôi lờ đi. Tôi đến phòng gym, đạp xe, đi bộ và tập chạy. Tôi nghĩ mình đủ khỏe và không cần tiêm phòng. Nếu vaccine không an toàn, tôi không chấp nhận rủi ro. Song sự thật là virus không chừa ai cả. Tôi nhiễm bệnh, không rõ bằng cách nào và ở đâu", ông nói.
Ông nhập viện một tuần và phải thở oxy. Dù đã xuất viện tuần trước, Bashir coi đây là trải nghiệm kinh khủng và muốn cảnh báo người xung quanh không phạm sai lầm tương tự.
"Những gì nếm trải trong khu hồi sức tích cực khiến tôi e sợ. Người bệnh lấp đầy các giường. Tôi cảm thấy tồi tệ, hy vọng câu chuyện của mình giúp cảnh tỉnh người khác", ông nói.
Bashir thuộc đợt bệnh nhân Covid-19 thứ 4 tại Bệnh viện Hoàng gia Bradford. Tháng trước, lượng người nhiễm virus giảm xuống còn một chữ số, lần đầu kể từ mùa hè năm ngoái. Tuần này, nó tăng trở lại lên gần 50, khi biến thể Delta tràn khắp ngõ ngách.
Tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng gia tăng trong tuần trước, lên gần 400 ca trên 100.000 người. Con số ở nhóm thanh thiếu niên là 750 ca trên 100.000 người. Người nhập viện cũng trẻ tuổi hơn, đôi khi chỉ mới 30-40.
"Một số đã tiêm hai liều vaccine và nhiễm bệnh nhẹ. Những người chưa tiêm chủng có thể tử vong", bác sĩ Abid Aziz, khoa hô hấp, nói sau một ngày mệt mỏi. "Số khác mới tiêm liều đầu, không được bảo vệ đầy đủ. Đáng lo là một nửa số bệnh nhân vẫn chưa chủng ngừa. Tôi hỏi tại sao, họ tỏ ra rất xấu hổ".
Abderrahmane Fadil cũng vô cùng tiếc nuối khi chưa tiêm vaccine. Ông nhập viện hồi đầu tháng trong tình trạng khó thở. Giáo viên 60 tuổi, người cha hai con, lần đầu nằm viện qua đêm kể từ năm 1985.
Ông gọi khoảnh khắc cuối nhìn hai con trước khi nhập viện là "cảnh tượng đau buồn nhất". Ngay sau đó, Fadil được đưa thẳng đến phòng điều trị oxy.
"Tôi từng bấm chuông gọi y tá 999 lần vì không thở được. Tôi suy nghĩ về cái chết. Đây là trải nghiệm gần với cái chết nhất, như đang nhìn thẳng vào tử thần", ông nói.
Fadil phải nằm viện 9 ngày. Bác sĩ hô hấp Tanveer Khalid nói ông "rất may mắn mới sống sót". Trước đó, Fadil vô cùng cảnh giác với vaccine mới, được phát triển nhanh.
"Vợ tôi tiêm chủng rồi, tôi thì chưa. Tôi khá đắn đo và cần thời gian suy nghĩ. Suốt cuộc đời, tôi đã sống chung với nhiều loại virus, vi khuẩn và cho rằng hệ miễn dịch của mình đủ tốt. Khi có các triệu chứng điển hình, tôi nghĩ có thể mình mắc Covid-19, nhưng hệ miễn dịch sẽ tự có cách phòng vệ", ông kể lại.
"Đó là ý nghĩ sai lầm nhất cuộc đời. Nó suýt khiến tôi phải trả giá bằng mạng sống. Tôi từng đưa ra nhiều quyết định ngớ ngẩn, nhưng đây là lần nguy hiểm và nghiêm trọng nhất", ông nói.
Fadil rời bệnh viện một tháng trước, chưa hồi phục hoàn toàn. Nhiều bệnh nhân Covid-19 chịu các tổn thương kéo dài, đôi khi hàng tháng.
"Tôi ước có thể đến gặp từng người từ chối tiêm vaccine và bảo ‘Nghe này, đây là vấn đề sinh tử. Bạn muốn sống hay chết? Nếu muốn sống, hãy tiêm chủng", ông nói.
Bác sĩ Khalid chia sẻ: "Phần lớn bệnh nhân Covid-19 nặng đang nằm đây vì họ từ chối vaccine".
Đối với những người chưa tiêm chủng, nhiễm nCoV và nhập viện là sự cảnh báo về hậu quả chết người của tin giả. Ông Bashir thừa nhận bị ảnh hưởng bởi các cuộc tranh luận trên mạng xã hội, những lo lắng trong cộng đồng châu Á của thành phố. Ông ngần ngại khi đọc thông tin về chứng đông máu của vaccine AstraZeneca.
Tại Bradford nơi ông sinh sống, khoảng ba phần tư dân số đã tiêm liều đầu tiên, ít hơn so với 87% toàn quốc. Tại bệnh viện, tiến sĩ Wright và các đồng nghiệp vô cùng lo lắng khi Anh gỡ hoàn toàn lệnh hạn chế ngày 20/7.
"Giống với nhiều người trên đất nước, chúng tôi muốn trở lại cuộc sống trước đây. Tất nhiên số ca nhiễm đã giảm, nhưng mầm bệnh vẫn luôn tồn tại", ông nói.
Lượng bệnh nhân cũng tăng trở lại, dù không bằng thời kỳ đỉnh dịch năm ngoái. Vì vậy, cuộc đua giữa vaccine và biến thể nCoV là vấn đề sinh tử, tiến sĩ Wright nhận định.
"Năm ngoái dạy cho ta một bài học, đó là đừng bao giờ coi thường loại virus này", ông nói.
Thục Linh (Theo BBC)
Nhận xét
Đăng nhận xét