Chiều nay (19/6), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID -19 tỉnh Hà Tĩnh.
Xác định rõ được nguồn lây
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải - Trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng làm việc.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCD COVID-19 tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 04/6 đến thời điểm này có 77 ca bệnh, trong đó 76 người xác định được nguồn lây từ 2 bệnh nhân ở Bình Dương về, 1 người ở huyện Nghi Xuân có nguồn lây từ TP Vinh (Nghệ An).
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế: Cần xây dựng các phương án ứng phó với tình huống có ca bệnh trong nhà máy, xí nghiệp và rộng hơn là trong các khu, cụm công nghiệp.
Hiện 64 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, 13 bệnh nhân chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị (trong đó có 6 bệnh nhân viêm phổi; còn lại các bệnh nhân có bệnh lý nền, nguy cơ cao).
Hiện có 2 bệnh nhân đang thở máy tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Một số bệnh nhân diễn biến nặng nhanh, khác với đợt trước hầu như không có triệu chứng. Số bệnh nhân mắc mới tăng cao từ 10 - 13/6, ngày mắc nhiều nhất 12/6 có 16 ca, sau đó giảm dần từ ngày 14/6 tới nay.
Nguồn lây chính là từ 2 ca bệnh từ Bình Dương, nguồn lây từ Nghệ An hiện chỉ có 1 ca bệnh. Hiện F1 có 2.024 người đã cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm, F2 có 15.862 người đã cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả F1, F2 được lấy mẫu kịp thời sau khi phát hiện. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ dân trong vùng cách ly y tế, xét nghiệm diện rộng theo hộ gia đình toàn bộ thành phố Hà Tĩnh.
Từ ngày 5/6 đến nay đã lấy 108.336 mẫu; đã làm 105.642 (dương tính 77, âm tính 105.565). Công tác xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại cơ sở sản xuất kinh doanh khu công nghiệp, khu kinh tế 21.348 người.
Thực hiện cách ly y tế theo Chỉ thị 16 tại TP Hà Tĩnh (trừ xã Thạch Bình) từ 12h00 ngày 08/6, kết thúc 12h00 ngày 18/6 và tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Cách ly y tế vùng có dịch tại 27 khu dân cư (Tổ dân phố, thôn, xã). Hiện cách ly tập trung 2.374 người (451 người tại khu cách ly của tỉnh, 1.923 tại khu cách ly các huyện, xã). Đối với F1 bố trí 1 người/phòng. Cách ly tại nhà/nơi lưu trú 13.550 người; tự theo dõi sức khỏe: 29.019 người.
Công tác điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Cầu Treo có công suất 70 giường bệnh, hiện tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ 50 bệnh nhân, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh công suất 100 giường, hiện tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ, từ ngày 15/6, có 14 bệnh nhân. Bệnh viện Phổi công suất 100 giường bệnh, tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ và vừa. Các bệnh viện/TTYT có giường bệnh sẵn sàng phương tiện, vật tư, hóa chất, nhân lực, để tiếp nhận, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với việc tiếp nhận, điều trị mức độ nặng, nguy kịch có thể tiếp nhận điều trị 4 bệnh nhân mức độ nặng và rất nặng, 100 bệnh nhân mức độ vừa tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Về phương án lâu dài, chuẩn bị các điều kiện để đưa đơn vị điều trị COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (150 giường) tại trụ sở cũ của Sở Y tế và TTYTDP (khuôn viên độc lập và sát với BVĐK tỉnh) với 20 giường hồi sức tích cực.
Toàn tỉnh có 122 máy thở các loại hiện đang sử dụng tại các bệnh viện, hầu hết đang sử dụng cho người bệnh. Về nhân lực bác sĩ, điều dưỡng có năng lực theo dõi, điều trị, chăm sóc bệnh nhân thở máy có 61 bác sĩ, 99 điều dưỡng tại các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế có giường bệnh trong tỉnh.
Công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ cả 2 đợt 18.620 liều. Tại 13 huyện, thị xã và thành phố có 8.980 Tổ COVID-19 cộng đồng. Ngoài 5 khu cách ly của tỉnh, 13 huyện, thị xã và thành phố chuẩn bị hơn 300 khu cách ly tập trung, khoảng 4.500 phòng. Dự kiến công suất cách ly khoảng 10.000 người, sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận cách ly tập trung đáp ứng diễn biến dịch bệnh.
Công tác phòng chống dịch tại khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp từ tháng 1/2021 đến nay, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành 10 văn bản chỉ đạo, kế hoạch, phương án tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ quốc gia, Bộ Y tế.
Tại 2 khu Kinh tế (Vũng Áng, Cầu Treo), 01 Khu công nghiệp (Gia Lách) tổng số lao động 33.146 (trong nước 30.890; lao động nước ngoài 2.256). Hiện đã làm xét nghiệm test nhanh có kết quả âm tính cho 4.525 lao động. Có 23 cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố, thị xã với 320 dự án đăng ký đầu tư, số lao động 5.207 người. Hiện xét nghiệm test nhanh có kết quả âm tính cho 3.000. Tại các huyện, thành phố, thị xã có hơn 250 cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, với hơn 19.000 lao động, có 13.823 người đã làm xét nghiệm test nhanh có kết quả âm tính.
Nguy cơ bùng phát dịch
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương đánh giá cao công tác phòng chống dịch của Hà Tĩnh trong thời gian qua.
"Dịch tại Hà Tĩnh có nguồn lây rõ ràng. Công tác truy vết đúng và trúng. Mong Hà Tĩnh quyết tâm giám sát chặt, điều tra kỹ lưỡng để giám sát chặt nguồn lây. Từ đó tìm ra các nhánh, chặn đứt, chặn nguồn lây", PGS.TS. Trần Như Dương đánh giá.
PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương đánh giá cao công tác phòng chống dịch của Hà Tĩnh trong thời gian qua.
Theo lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, công tác phòng chống dịch của Hà Tĩnh bước đầu có tín hiệu lạc quan nhưng chưa yên tâm hết được. Tất cả các huyện, xã, thôn trên toàn tỉnh phải xem như đang có dịch và dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
"Trông thì như thế thôi nhưng nó là kẻ thù giấu mặt. Có thể bùng ra bất cứ lúc nào. Chúng ta sẵn sàng chứ không được chủ quan", Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh.
Theo đó cần phải tiếp tục truy vết cho hết F1 tại các điểm đã xác định. Rà soát nhầm còn hơn bỏ sót. Để việc truy vết hiệu quả, lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đánh giá cao sự vào cuộc của lực lượng công an. Bắt buộc phải tổ chức giám sát triệt để các trường hợp ho, sốt… Phải tiến hành xét nghiệm ngay. Những trường hợp này không xét nghiệm sẽ tạo ra các ổ dịch lớn.
Một lần nữa, PGS.TS. Trần Như Dương đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh Hà Tĩnh cần chú trọng hơn nữa Tổ COVID-19 cộng đồng. Hiện trong các khu công nghiệp đang hỏng và thiếu kế hoạch. Mỗi đơn vị cần có phân công phân nhiệm vụ rõ ràng, tự quản với nhau. Thông qua hệ thống cáo báo giám sát dịch bệnh của doanh nghiệp cho chính quyền địa phương. Chúng ta hỏng là hỏng không có tổ giám sát bên trong doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin: Mẫu bệnh phẩm của một số bệnh nhân COVID-19 Hà Tĩnh gửi ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải trình tự gen là biến chủng Ấn Độ.
"Kết quả giải trình tự gen của 2 vợ chồng F0 đầu tiên của Hà Tĩnh cũng trùng hợp với kết quả các mẫu bệnh phẩm ở Bình Dương", GS.TS Đặng Đức Anh thông tin.
GS-TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Hà Tĩnh gửi mẫu bệnh phẩm giải trình gen xác định nguồn lây: chủng Ấn Độ. Đợt dịch này chủng Ấn Độ xuất hiện nhiều tỉnh. Nhưng có nhiều dòng riêng. Dòng ở Hà Tĩnh không giống như ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Tìm ra đối tượng F0 cực kỳ chính xác
Về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn nhấn mạnh, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, thực hiện tiêm đảm bảo an toàn như đợt trước đó. Cho biết, tới đây ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc - chiến dịch tiêm chủng quốc gia nên Cục trưởng Đặng Quang Tấn đề nghị tỉnh ngay từ bây giờ cần tập huấn về công tác tiêm chủng cho toàn tuyến. Sắp tới có thêm vắc xin phòng COVID-19, có thể nhiều loại khác nhau thì cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế sẽ tiến hành tập huấn cho tỉnh để đảm bảo yêu cầu về tiêm chủng an toàn.
Về công tác điều trị, đại diện đoàn công tác của Bộ Y tế cũng chia sẻ qua rà soát, nhân lực về hồi sức rất mỏng, toàn tỉnh chỉ có 7 bác sĩ có khả năng và năng lực điều trị về hồi sức; tỉnh hiện cũng không có máy HFNC. Nên cử ngay thêm cán bộ đi học về chuyên môn hồi sức và thực hiện can thiệp ECMO để chủ động trong công tác điều trị, phòng khi có nhiều bệnh nhân diễn biến nặng và chưa có chi viện về nhân lực. Phát động phong trào toàn dân phát giác những trường hợp nhập cảnh trái phép, trốn cách ly...
Đối với công tác phòng chống dịch bệnh tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Đi thực tế tại doanh nghiệp cho thấy chưa có sự chuẩn bị nhân sự, vật chất…Dẫn đến kết quả BQL Khu Công nghiệp, Y tế địa phương không nắm được để chỉ đạo, triển khai. Người lao động được đo nhiệt độ nhưng chưa biết khai báo y tế dù dịch đã xảy ra hơn 1 năm nay. Doanh nghiệp chưa triển khai cho người lao động việc khai báo y tế.
"Tổ COVID-19 chung chung không cụ thể. Làm xét nghiệm 20% cho người lao động nhưng không đúng đối tượng", lãnh đạo Cục Quản lý môi trường Y tế nhấn mạnh
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao về công tác phòng dịch của Hà Tĩnh trong thời gian qua. Tuy nhiên bên cạnh đó Hà Tĩnh chưa có đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở kinh doanh, chưa báo cáo kết quả kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đưa lên bản đồ tỷ lệ thấp, tỷ lệ xét nghiệm sàng lọc cho người lao động tại một số khu công nghiệp cần tăng cường.
"Tại các Công ty bản kế hoạch làm cho có, nhân viên y tế chưa phát huy được vai trò. Chưa có kịch bản phòng chống dịch cụ thể tại từng cơ sở sản xuất kinh doanh. Quản lý toàn bộ người lao động như thế nào, vấn đề quản lý lao động ngoại tỉnh tại nơi làm việc và thường trú cần phải siết chặt hơn", PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Hà Tĩnh đã kiến nghị với Bộ Y tế một số nội dung quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn trong thời gian tới như: tăng số lượng vắc xin phòng COVID-19 cho tỉnh Hà Tĩnh; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, kit, test cho phòng chống dịch; hỗ trợ thiết bị y tế để vận hành bệnh viện dã chiến với 20 giường hồi sức tích cực; sớm ban hành hướng dẫn cách ly F1 tại nhà….
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng chống dịch.
Toàn dân phải vào cuộc chống dịch
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên Thứ trưởng cũng lưu ý một số nội dung: Để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân tuân thủ nguyên tắc 5K + vắc xin trong phòng chống dịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, yêu cầu Sở Thông tin và truyền thông lập Trung tâm điều hành về công nghệ thông tin để có thể tích hợp quản lý mọi công tác phòng chống dịch, đặc biệt tại các khu cách ly.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý Hà Tĩnh cần phát động phong trào toàn dân phát giác những trường hợp nhập cảnh trái phép, trốn cách ly... Khi phát hiện ca F0, cần thực hiện khoanh vùng thật rộng; sau khi xác định được các F1, cần tiến hành phong tỏa hẹp.
Thứ trưởng nhấn mạnh phải tuyệt đối tuân thủ quy định, không để lây nhiễm chéo trong khu phong toả. Tổ COVID-19 cộng đồng, cảnh sát khu vực phát huy vai trò của giám sát dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt trong khu vực cách ly, phong toả. Về năng lực xét nghiệm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tổ chức ngay việc tập huấn cho lực lượng y tế đến tận tuyến xã và cả lực lượng công nhân trong các khu công nghiệp để có thể lấy mẫu xét nghiệm thuần thực. Đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc những trường hợp ở các khu vực nguy cơ khu công nghiệp, bệnh viện… Đối với trường hợp F1 xét nghiệm mẫu đơn, trường hợp khác xét nghiệm mẫu gộp, có thể gộp 10 mẫu.
Về điều trị, Thứ trưởng lưu ý Hà Tĩnh cần chủ động phương châm 4 tại chỗ, nếu cần hỗ trợ thì kết nối ngay hệ thống hội chẩn từ xa để các chuyên gia tuyến trên kịp thời hỗ trợ về chuyên môn.
Thứ trưởng đánh giá cao tỉnh Hà Tĩnh phân công từng đồng chí trong thường vụ tỉnh uỷ chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch trên địa bàn; tương tự các huyện cũng giao trách nhiệm cho từng đồng chí huyện uỷ; Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh cũng cần "đưa" các lực lượng như phụ nữ, mặt trận, dân vận… cùng tham gia chống dịch…
Dịp này, Công đoàn Bộ Y tế hỗ trợ ngành y tế Hà Tĩnh kinh phí và các vật tư chống dịch.
Tại buổi làm việc, đại diện Công đoàn ngành Y tế đã trao tặng ngành y tế Hà Tĩnh 50 triệu đồng tiền mặt và một số trang thiết bị chống dịch.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng thông tin, thông qua Bộ Y tế, tuần tới Cục Y tế dự phòng sẽ hỗ trợ tỉnh một số vật tư chống dịch; đồng thời 1 doanh nghiệp khác thông qua Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh 5000 test nhanh.
Minh Thùy
Yến Sào Khang An - Hotline: 0902-568-750
~ Sức khỏe của khách hàng chính là sức khỏe của chính mình và người thân ~
Nhận xét
Đăng nhận xét