Nhiều người nhầm lẫn thực phẩm chức năng có thể ngừa đột quỵ, trị huyết áp, bỏ hẳn thuốc để chuyển sang dùng, chuyên gia khuyến cáo "rất nguy hiểm".
Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết thực phẩm chức năng không được gọi là thuốc, chỉ là chất bổ sung. Một người bị tăng huyết áp, bắt buộc phải uống thuốc điều trị huyết áp, sau đó có thể cân nhắc bổ sung thực phẩm chức năng chứ không thể dùng thay thế hoàn toàn thuốc điều trị.
"Nhiều người bỏ thuốc vì cho rằng uống lâu 'bị nóng', nhiều tác dụng phụ, còn thực phẩm chức năng xuất phát từ thiên nhiên nên lành tính. Đó là quan niệm sai lầm", bác sĩ Thắng khẳng định.
Để cho ra đời một loại thuốc, các nhà khoa học phải tìm hiểu nghiên cứu kỹ, thử nghiệm lâm sàng trên số lượng người dùng lớn. Đến khi kết luận an toàn, mang lại hiệu quả điều trị, thuốc mới được đưa vào sử dụng.
Theo phó giáo sư Thắng, hiện nay rất nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo rầm rộ, do nhiều người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng khuyên dùng. Nhiều bệnh nhân không uống thuốc, chuyển sang dùng thực phẩm chức năng theo quảng cáo dù không hiểu rõ về hiệu quả sản phẩm.
"Y tế là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe, tính mạng, người bệnh cần nghe theo chỉ định dùng thuốc của thầy thuốc", bác sĩ Thắng nói.
Nhiều bệnh nhân tưởng rằng đột quỵ chỉ phòng ngừa trong giai đoạn ngắn mà không hiểu phải uống thuốc suốt đời. Bác sĩ Thắng khuyến cáo, người đã bị đột quỵ, may mắn sống được hoặc phục hồi tốt, không có nghĩa là đã hết bệnh mà cần tiếp tục sử dụng thuốc để phòng bệnh. Những trường hợp này nguy cơ cao tái phát đột quỵ.
Không ít trường hợp sau khi điều trị ổn thì ngưng đi khám, ngưng uống thuốc, hoặc tự mua thuốc theo toa cũ, uống theo toa thuốc người khác mách bảo. Có bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc gồm nhiều loại, song chỉ mua một hoặc hai loại, đôi khi bỏ qua những thuốc cực kỳ quan trọng giúp phòng ngừa đột quỵ.
Người có yếu tố nguy cơ đột quỵ, như tăng huyết áp, tiểu đường, rung nhĩ..., đòi hỏi phải dùng thuốc kiểm soát lâu dài, hầu như điều trị suốt đời. Đây được xem là những "sát thủ" giấu mặt, vì triệu chứng các bệnh này thường rất mơ hồ. Đa số bệnh nhân vẫn cảm thấy khỏe mạnh, không cảm nhận được sự bất thường khi bệnh đang diễn tiến nên tâm lý chủ quan, rất khó thuyết phục họ uống thuốc qua ngày này tháng nọ.
"Ý thức phòng bệnh tại Việt Nam đang thấp ở mức báo động. Nếu không phòng ngừa tốt sẽ dẫn đến y tế quá tải trong điều trị đột quỵ cấp", bác sĩ Thắng nói.
Ông cho rằng cần tầm soát yếu tố nguy cơ trước khi bị đột quỵ, kiểm soát nó từ rất sớm. Tuy nhiên hiện nay số người đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát bệnh vẫn chưa nhiều.
Theo thống kê của thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Ở Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Nhiều người may mắn sống sót nhưng chịu các di chứng nặng nề, mất khả năng lao động, tàn phế, cuộc sống cần có người chăm sóc thường xuyên.
Bệnh nhân đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Đặc biệt khi triệu chứng xảy ra ở một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng... Khi ấy cần chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử trí và cấp cứu đột quỵ.
Trong khi chờ xe cấp cứu, nếu người bệnh tỉnh, đặt nằm nghiêng về bên lành, đầu hơi nâng nhẹ. Không cho ăn hoặc uống bất kỳ loại gì, không cạo gió, giật tóc hay nặn chanh vào miệng... Lấy bỏ các vật trong miệng người bệnh hoặc lau đờm dãi có thể gây khó thở. Nếu bệnh nhân bị liệt một bên, khi vận chuyển cần trợ giúp và đặt nghiêng về bên lành. Bệnh nhân không có mạch hoặc ngưng thở, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (80-100 lần một phút) đến khi tim đập lại.
Nhận xét
Đăng nhận xét