HÀ NỘIKhoảng 3 giờ sáng, cụ ông 80 tuổi thức dậy đi vệ sinh, gặp trời lạnh rồi đột ngột gục xuống tại chỗ, mất ý thức.
Bệnh nhân tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương sáng 16/12 trong tình trạng liệt nửa người. Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ, hình ảnh chụp MRI phát hiện nhồi máu não. Người bệnh đang được chăm sóc tích cực tại phòng cấp cứu.
Bác sĩ cho biết, nhiệt độ cơ thể lạnh đột ngột là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, thường diễn ra trong khoảng từ 3 đến 5 giờ sáng. Đây cũng là mối nguy hàng đầu với bệnh nhân cao tuổi tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ và tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không có dấu hiệu báo trước. Hàng năm, bệnh viện Lão khoa Trung ương tiếp nhận rất nhiều ca đột quỵ khi thời tiết chuyển mùa, chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Bác sĩ cho biết, có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ gồm bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng... Đây đều là bệnh lý thường gặp ở người già. Riêng bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.
Để phát hiện sớm biểu hiện đột quỵ, có thể dựa vào dấu hiệu F.A.S.T, viết tắt của các từ Face - liệt mặt, méo miệng, Arm - yếu tay hoặc yếu nửa người, Speech - nói ngọng, nói khó, Time - thời điểm bị tai biến, được hiểu là lúc xuất hiện các triệu chứng trên. Một khi đột quỵ xảy ra, bệnh nhân cần được nhanh chóng đến bệnh viện vào các đơn vị (trung tâm) đột quỵ để điều trị kịp thời giảm tỷ lệ tử vong, tàn phế.
"Thời gian vàng để bệnh nhân nhồi máu não được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát. Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khởi phát, nếu để muộn hơn thì nguy cơ di chứng nặng", bác sĩ Thắng cho biết.
Đột quỵ não là bệnh có thể dự phòng bằng các biện pháp chống yếu tố nguy cơ như điều trị rối loạn lipid máu, kiểm soát đường huyết, kiểm soát trị số huyết áp... Đối với nhóm dự phòng cấp một, tức chưa từng đột quỵ, cần khám thường quy để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và kiểm soát sớm ngay từ đầu. Người đái tháo đường, huyết áp, mỡ máu nên đi khám một tháng một lần.
Đối với nhóm dự phòng cấp hai, tức đã từng bị đột quỵ, bác sĩ nhận định nguy cơ cao tái phát. Bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định thăm khám, điều trị, không ngưng thuốc hay bỏ thuốc giữa chừng. Không sử dụng thực phẩm chức năng thay thế thuốc điều trị. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo, kiểm soát cân nặng, ngăn tình trạng béo phì.
Đối với người trung niên và cao tuổi, cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả đi bộ buổi sáng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Trong những ngày lạnh, người cao tuổi nên tập luyện, vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập như yoga, thư giãn tinh thần ở trong nhà, nơi có mái che, nếu ra ngoài trời cần đội mũ, áo ấm... Khi tập, cần căn cứ theo sức chịu đựng, không tập gắng sức. Tự theo dõi huyết áp mỗi ngày, kiểm soát sức khỏe, tránh tình trạng quên thuốc, ngưng thuốc khiến bệnh trầm trọng.
Với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ tầm soát các yếu tố nguy cơ, điều trị sớm. Xây dựng lối sống lành mạnh, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia..
Nhận xét
Đăng nhận xét