HÀ NỘITrung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, một tháng qua tiếp nhận 1.000 ca cấp cứu, trong đó tới 10% là bệnh nhân dưới 44 tuổi.
Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai mới thành lập một tháng qua. Trước đó, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ rải rác điều trị ở nhiều khoa như Cấp cứu, Thần kinh, Tim mạch, Hồi sức tích cực, Phẫu thuật Thần kinh... Tổng số bệnh nhân đột quỵ hàng năm khoảng 6.000-8.000 ca. Hiện có Trung tâm Đột quỵ, tất cả bệnh nhân đột quỵ điều trị ở Bạch Mai được tập trung về đây.
Phó giáo sư Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, cho biết hiện trong số bệnh nhân trung tâm tiếp nhận trong tháng qua có khoảng 10 bệnh nhân rất trẻ, có người chỉ mới 14 tuổi.
"Bệnh nhân 14 tuổi đột quỵ do dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh, đến viện với bệnh cảnh đau đầu dữ dội, kết quả chụp cắt lớp vi tính phát hiện bị chảy máu não", bác sĩ Tôn nói.
Bệnh nhân này được hội chẩn đa chuyên khoa, phẫu thuật điều trị triệt để, tránh nguy cơ tái phát trong suốt cuộc đời vì còn quá trẻ.
Theo bác sĩ Tôn, hầu hết đột quỵ ở người trẻ liên quan đến yếu tố nguy cơ, như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực... Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm các phình mạch đủ lớn gây ra vỡ.
Hầu hết, bệnh nhân đột quỵ có những tổn thương vùng chức năng như vận động, nhận thức xung quanh, như hôn mê kéo dài, không nói năng được, liệt... Ít bệnh nhân đột quỵ tử vong trong thời gian ngắn, song có thể xảy ra ở những trường hợp bị dị dạng mạch máu não.
"Trong thời gian ngắn, lượng máu chảy ồ ạt trong não, chèn ép các chức năng về hô hấp, tuần hoàn nên bệnh nhân tử vong nhanh", bác sĩ Tôn giải thích.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong.
"Nhiều người may mắn sống sót sau đột quỵ, nhưng phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội", ông Khuê nói.
Độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ, xu hướng ngày càng gia tăng. Người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30% tổng các ca đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới nhiều gấp 4 lần nữ.
Theo Bộ Y tế, mỗi bệnh viện tuyến tỉnh cần xây dựng một trung tâm/khoa điều trị đột quỵ, từ nay đến năm 2025. Hiện cả nước có 11 trung tâm đột quỵ.
Nhận xét
Đăng nhận xét