Đại diện Bộ Y tế Nga công bố vaccine Sputnik V hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 hơn 90%.
Tuyên bố đưa ra hôm 9/11, ngay sau khi vaccine của Pfizer được báo cáo hiệu quả 90%.
Dữ liệu được Bộ Y tế Nga trích từ kết quả tiêm chủng đại trà cho người dân, không thuộc thử nghiệm giai đoạn ba đang diễn ra.
"Chúng tôi chịu trách nhiệm giám sát hiệu quả của vaccine Sputnik V trong quá trình tiêm chủng cho công dân, một phần của chiến dịch tiêm chủng đại trà. Dựa trên quan sát, kết quả cho thấy hiệu quả của sản phẩm hơn 90%", Oksana Drapkina, giám đốc viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Y tế Nga, cho hay. "Có thêm một loại vaccine hiệu quả là tin tốt đối với tất cả mọi người".
Trước đó, giới chức Nga đã phê duyệt khẩn cấp Sputnik V khi chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng. Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Gamaleya tại Moskva, nơi phát triển vaccine, cho biết: "Trong tương lai gần, chúng tôi dự kiến công bố kết quả tạm thời quá trình thử nghiệm lâm sàng sau đăng ký của vaccine Sputnik V, được gọi là thử nghiệm giai đoạn 3. Tôi chắc chắn mức độ hiệu quả của nó cũng sẽ cao".
Alexander Gintsburg cũng chia sẻ "hoan nghênh tin tức về thành công của Pfizer".
Nga chuẩn bị công bố kết quả sơ bộ của thử nghiệm trên người quy mô lớn trong tháng 11. Thử nghiệm có 40.000 tình nguyện viên tham gia.
Vaccine Sputnik V dựa trên công nghệ vector, đưa mã gene virus vào cơ thể, được bác sĩ ví như dùng tên lửa đẩy vệ tinh Sputnik vào không gian. Cơ chế của nó là sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.
Vector là một virus thiếu đi đoạn gene giúp tái tổ hợp, tự nhân lên, được các nhà khoa học sử dụng để vận chuyển vật chất di truyền của một loại virus khác vào tế bào người. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ.
Đến nay Nga đã phê duyệt hai loại vaccine Covid-19 là Sputnik V và EpivacCorona, đều chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Thục Linh (Theo Reuters)
Nhận xét
Đăng nhận xét